'Thú vui quái gở' cuối tuần đua xe, thông chốt

23/12/2024
|
0 lượt xem
Thời Sự Ý Kiến
'Thú vui quái gở' cuối tuần đua xe, thông chốt

Tôi sinh ra và lớn lên ở trung tâm thành phố Hà Nội và cũng đang ở trong độ tuổi 20. Sáng nay ngủ dậy, tôi được biết về sự việc nhóm "quái xế" đâm chết cô gái trẻ đêm qua. Ban đầu, tôi còn tưởng đây những thành phần bất hảo, lõi đời. Nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn thông tin, tôi giật mình khi nhóm "quái xế" ở đây lại là những cô cậu trong độ tuổi vị thành niên, rảnh rỗi, ham mê tụ tập và luôn "gồng mình" chống đối pháp luật.

Với độ tuổi từ 16 đến 19 tuổi, tức là cũng ngang tuổi tôi, chẳng có lý do nào để bao biện cho "thú vui" đua xe trái phép của những cô cậu này cả. Đua xe, lạng lách, đánh võng... là những hành vi không khó để bắt gặp trên đường Việt, cụ thể là thành phố tôi sống. Chuyện nhóm thanh niên phóng bạt mạng như những con thiêu thân, hò hét ầm ĩ khắp các cung đường sau 12 giờ đêm chẳng còn là chuyện xa lạ tại Hà Nội.

Những người này thường tự cho mình "anh hùng xa lộ". Nói thật, mỗi khi đi đường gặp những trường hợp này, tôi lại cảm thấy rùng mình sợ hãi. Ấy thế mà nhiều bạn trẻ lại thấy việc đi ngược lại chuẩn mực đạo đức chung như thế là ngầu.

Thực tế, việc đua xe, "thông chốt" của một bộ phận giới trẻ Hà Nội đã tồn tại từ lâu, thậm chí còn được coi là "thú vui" để thể hiện cá tính bản thân. Xung quanh tôi cũng có những người bạn cho đó là vui, là thời thượng. Có bạn kể với tôi về việc được nhập vào đoàn đua với vẻ thích thú và nói cuối tuần nào cũng ngồi xem "thông chốt". Và hiển nhiên, những ai không biết hay chưa từng trải nghiệm như tôi sẽ bị cho là quê mùa, lỗi thời.

>> 'Đánh vào túi tiền phụ huynh khi con đi xe máy kẹp ba, đánh võng'

Ừ thì các bạn thấy nó vui, nhưng có sẽ ra sao khi "thú vui" gây tai nạn chết người? Hay đến lúc đấy chỉ gọi là sơ suất, sự cố ngoài ý muốn? Đã có trường hợp CSGT làm nhiệm vụ bị trọng thương khi chặn bắt các nhóm đua xe, bây giờ đến cả người đi đường vô tội cũng mất mạng oan. Quả là một "thú vui" quái gở.

Đây không phải là việc các bạn trẻ có thể biện minh, mà là hành vi mà các bạn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng sau cùng, chỉ có nạn nhân và những người thân của họ phải chịu đựng nỗi đau thấu tim, liệu các bạn có thể chịu trách nhiệm được không?

Một cô gái trẻ tuổi đã thiệt mạng một cách "họa vô đơn chí", khi đi đúng luật, dừng đèn đỏ đúng luật, nhưng cô gái ấy phải bỏ mạng vì sự thể hiện, đua đòi của bộ phận giới trẻ đang cho phép mình sống buông thả. Tôi có đọc thông tin trên các trang thông tin điện tử và bắt gặp thấy bình luận đề cập về hoàn cảnh gia đình của "những tay đua" vị thành niên (ý nói là các bạn thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình). Tại sao chúng ta lại đổ lỗi cho đấng sinh thành?

Đúng, một phần tạo nên những con người vô kỷ luật là do giáo dục và môi trường sống. Nhưng để hình thành nên nhân cách và lối sống bê tha, coi thường pháp luật như vậy thì phần lớn là do nhận thức và bản lĩnh của bản thân mỗi người. Chúng ta không ai được chọn nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta hoàn toàn được chọn cách mình sẽ sống như thế nào?

Vẫn còn đó rất nhiều hiện tượng đáng lên án bởi một bộ phận giới trẻ đang coi việc đi ngược lại chuẩn mực đạo đức chung là thể hiện cá tính, phô diễn chất ngông của mình. Nhưng tất cả chỉ là ngụy biện cho sự thiếu hiểu biết và thói sĩ diện hão. Đừng để xã hội đánh giá thế hệ trẻ ngày nay là mầm mống của những thói hư tật xấu và tệ nạn. Đừng để hệ lụy đi xa hơn nữa đến mức không thể kiểm soát được. Đừng tiếp tục cho xã hội thấy bạn là người vô giáo dục.

Thùy An

Tin liên quan
Tin Nổi bật