Phương pháp 'tưởng tượng ngôi nhà' giúp dễ ngủ

22/12/2024
|
0 lượt xem
Sống Khỏe Sức Khỏe
Phương pháp 'tưởng tượng ngôi nhà' giúp dễ ngủ

Ngày 1/11, huấn luyện viên thiền Emily Kessler chia sẻ "bí quyết ngủ" kỳ lạ trên TikTok, thu hút hơn 150.000 lượt thích. Cô hướng dẫn mọi người hình dung một ngôi nhà quen thuộc, nhưng không phải nhà của mình, sau đó tưởng tượng bản thân đi vào từng phòng và quan sát các chi tiết.

Chuyên gia về giấc ngủ Rex Isap tại Happy Beds cho biết, đây là phương pháp có thật, đã được chứng minh giúp giảm lo lắng và cải thiện khả năng thư giãn. Bà nhận định cơ chế "tưởng tượng và hình dung" là trọng tâm của nhiều nghiên cứu giấc ngủ, có thể giảm lo lắng, giúp cơ thể thư giãn, giúp mọi người ngủ ngon hơn.

Theo Kessler, phương pháp này "đánh lạc hướng suy nghĩ", tạo cảm giác quen thuộc, khiến mọi người không còn căng thẳng, từ đó dễ dàng chìm vào giấc ngủ. Theo Isap, khi tưởng tượng về căn nhà, mọi người nên tập trung vào các chi tiết như tay nắm cửa, rèm cửa và tranh ảnh để tạo ra hình ảnh sống động.

"Bạn sẽ bớt lo lắng về công việc, bớt nghĩ đến những điều căng thẳng nếu chìm đắm trong những chi tiết nhỏ của ngôi nhà", tiến sĩ Isap nói.

Các chuyên gia cho biết, việc tưởng tượng ra một ngôi nhà chi tiết sẽ giúp dễ ngủ hơn. Ảnh: Pexel

Việc lựa chọn ngôi nhà phù hợp để tưởng tượng cũng rất quan trọng. Kessler khuyên mọi người không nên nghĩ về nhà của mình, để tránh bị "mắc kẹt trong những căng thẳng hoặc ký ức gắn liền với những đồ vật, căn phòng nhất định". Isap bổ sung, ngôi nhà cần có hình ảnh tích cực, thoải mái hoặc dễ chịu. Một ngôi nhà tạo cảm giác đáng sợ, lộn xộn có thể phản tác dụng, gây mệt mỏi. Nếu không thể nghĩ đến một ngôi nhà phù hợp, Kessler đề xuất chọn một địa điểm khác như cửa hàng tạp hóa, sân bay, trung tâm thương mại, các con đường.

Tuy nhiên, Isap cũng lưu ý, phương pháp có thể không hiệu quả với một số người. Ông đề xuất mẹo khác như tập thở, nghe tiếng ồn trắng. Kỹ thuật thở 4-7-8 nhịp có thể giúp người tập ngủ ngon, sâu giấc, phòng ngừa rối loạn lo âu và trầm cảm.

Trong toàn bộ quá trình, mọi người cần đặt đầu lưỡi vào mô phía sau răng cửa trên. Các động tác bao gồm: thở ra hoàn toàn bằng miệng, tạo âm thanh như huýt sáo; ngậm miệng và hít vào bằng mũi, đếm 4 nhịp trong đầu. Tiếp theo, người tập nín thở và đếm đến 7. Cuối cùng, thở ra bằng miệng, tạo âm thanh "vù vù" và nhẩm đếm đến 8. Người tập lặp lại thêm ba lần để có tổng cộng 4 chu kỳ thở.

Thực hành thở 4-7-8 giúp kích hoạt hệ thần kinh đối giao cảm, chịu trách nhiệm cho hoạt động nghỉ ngơi và tiêu hóa, đưa cơ thể vào trạng thái thư giãn, ngủ ngon.

Thục Linh (Theo News Week)

Tin liên quan
Tin Nổi bật