Trả lời:
Bác 67 tuổi, có bệnh nền cao huyết áp không thuộc trường hợp chống chỉ định của mũi ngừa cúm, phế cầu. Nếu không mắc các bệnh cấp tính, huyết áp ở mức ổn định, bác có thể tiêm chủng tại các trung tâm tiêm chủng mà không cần tiêm tại bệnh viện.
Khi đi tiêm, bác lưu ý mang theo các giấy tờ khám sức khỏe liên quan cũng như ghi chú thông tin về những loại thuốc đang sử dụng. Bác sĩ sẽ khám sàng lọc và đánh giá tình hình sức khỏe tại thời điểm hiện tại để đưa ra chỉ định tiêm phù hợp cho bác.
Để có trải nghiệm tiêm chủng thoải mái nhất, bác cần ăn no vừa phải, không để bụng đói khi đi tiêm ngừa. Sau tiêm, bác theo dõi ít nhất 30 phút tại trung tâm tiêm chủng và 24-48 tiếng tiếp theo tại nhà. Bác có thể kết hợp ăn uống đủ các nhóm chất cũng như vận động nhẹ nhàng để vaccine giúp cơ thể sinh kháng thể tốt hơn.
Người cao tuổi đo huyết áp trong lúc khám sàng lọc tại VNVC. Ảnh: Hải Miên
Phế cầu khuẩn có hơn 100 type khác nhau, gây ra nhiều bệnh lý như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết... Để được bảo vệ toàn diện, người lớn đã tiêm phế cầu 13 (Prevenar 13) vẫn cần tiêm bổ sung vaccine phế cầu 23 (Pneumovax 23). Ngoài ra, vaccine có thể chủng ngừa cho trẻ em từ 2 tuổi và người lớn, đặc biệt hiệu quả cao ở người cao tuổi có bệnh nền như phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, thận, gan...
Cúm thường tự khỏi nhưng có thể gây biến chứng như viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm cơ tim, tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, đặc biệt ở người trên 65 tuổi, có bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Hiện Việt Nam có vaccine cúm tứ giá phòng 4 chủng virus phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria. Vaccine dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn, cần tiêm nhắc lại hằng năm để củng cố miễn dịch.
BS.CKI Tống Thị Ngọc CầmPhó giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.