Chị Hoài phát hiện u tuyến giáp di căn xương vào năm 2007, được can thiệp loại bỏ u ở xương đùi, kiểm soát u tuyến giáp nên không nguy hiểm tính mạng. Tuy nhiên, xương đùi yếu khiến chị gặp chấn thương, phải phẫu thuật, đi chân thấp chân cao.
4 năm nay tình trạng nặng hơn, chị Hoài dùng nạng di chuyển, nhiều lúc không thể đi lại, sinh hoạt phải nhờ người thân giúp đỡ. Chị đi khám nhiều nơi, được chẩn đoán u tái phát, nhưng nếu mổ lấy khối u đầu trên xương đùi thì chân phải sẽ mất chức năng, có thể đi nạng suốt đời.
Chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra. Ngày 26/9, TS.BS Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cho biết chiều dài hai chân của người bệnh chênh lệch nhau 6 cm. Kết quả chụp X-quang, MRI cho thấy khối u xương lớn gây tổn thương gần hết đầu trên xương đùi, xâm lấn cơ và lan ra các mô mềm xung quanh.
"Khối u xương đùi sẽ tiếp tục tăng kích thước, gây đau đớn và hủy xương tăng dần, nguy cơ tàn phế", bác sĩ Tuấn nói, thêm rằng phải phẫu thuật ngay.
Bác sĩ nhận định đây là ca phẫu thuật khó và phức tạp vì loại bỏ khối u nhưng phải bảo tồn chức năng đi lại, sinh hoạt cho người bệnh. U quá lớn, phần đầu trên xương đùi bị hư hỏng cần cắt bỏ khá dài. Lòng tủy xương đùi tự nhiên của người bệnh không rộng, rất khó để tìm ra loại khớp nhân tạo phù hợp. Phương án được đưa ra là phẫu thuật cắt khối u và thay khớp háng modular cho người bệnh.
Bác sĩ Tuấn phân tích tình trạng u xương gây hủy xương đùi người bệnh trên phim X-quang. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Các bác sĩ quyết định tắc mạch máu nuôi u trước phẫu thuật 24 giờ để hạn chế chảy máu trong lúc mổ. Sau đó, phẫu thuật loại bỏ khối u và các thành phần xương, mô đã tổn thương ở đầu trên xương đùi và thực hiện thay khớp.
Sau khi phân tích trên phần mềm chuyên dụng TraumaCad, bác sĩ lựa chọn khớp modular để thay cho chị Hoài. Đây là loại khớp có thể điều chỉnh chiều dài phần chuôi khớp, nhờ đó gia cố và giữ lại được chiều dài tối đa của thân xương đùi. Chuôi khớp cũng có kích thước nhỏ, phù hợp với lòng tủy của người bệnh, tránh được nguy cơ nứt, gãy xương.
Sau 4 tiếng, êkíp bóc tách thành công khối u nặng 500 g, loại bỏ phần đầu trên xương đùi đã hư, xi măng và đinh nội tủy từ lần phẫu thuật trước. Khớp háng nhân tạo toàn phần được lắp vào và cân chỉnh lại chiều dài hai chân người bệnh.
Sau mổ, sức khỏe chị Hoài cải thiện rõ rệt, có thể tự đứng lên ngồi xuống. 6 ngày sau phẫu thuật, cơn đau ở chân giảm đáng kể, chị có thể ngủ ngon giấc, không phải truyền thuốc giảm đau.
Tiến sĩ Tuấn cho biết phải cắt bỏ một đoạn dài ở đầu trên xương đùi nên các cơ mông đùi mất đi chỗ bám. Vì vậy, người bệnh không thể đi lại ngay, cần khoảng hơn 6 tuần để các mô, cơ bám chặt vào khớp nhân tạo. Lúc này, người bệnh có thể bắt đầu tập chống chân khi đi lại, tránh được nguy cơ trật khớp sau này. Sau 3 tháng, chị Hoài đi lại được nhẹ nhàng với hỗ trợ của nạng.
Tiên lượng sau mổ 6 tháng, người bệnh có thể đi lại và khôi phục sinh hoạt như bình thường, tránh lao động nặng hay thể thao. Người bệnh tiếp tục điều trị ung thư tuyến giáp tại chuyên khoa ung bướu.
Chị Hoài và chồng vào dịp tái khám sau 3 tháng phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Ung thư tuyến giáp di căn xương là tình trạng các tế bào ung thư từ ổ nguyên phát di căn tới tổ chức xương, gây tổn hại tới cấu trúc của xương. Đây là ung thư đã vào giai đoạn muộn. Hệ thống xương được đánh giá là cơ quan dễ bị di căn nhất.
Bác sĩ Tuấn cho biết hiện chưa có phương pháp nào điều trị ung thư di căn xương dứt điểm. Các lựa chọn điều trị giúp kiểm soát bệnh tốt hơn, giảm triệu chứng, hạn chế tình trạng di căn của khối u tiến triển, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp