6 'cuộc chiến' cha mẹ phải đối mặt sau khi có con

22/12/2024
|
0 lượt xem
Đời Sống Tổ Ấm
6 'cuộc chiến' cha mẹ phải đối mặt sau khi có con

Theo nhà tâm lý học Joel Frank, người sáng lập tổ chức tâm lý Duality Psychological Services (Mỹ) sự gia tăng của những trách nhiệm mới có thể khiến cha, mẹ cảm thấy choáng ngợp và kiệt sức.

Cuộc chiến tiền bạc

Việc sinh con có thể gây ra các vấn đề về tiền bạc, tạo áp lực lên ngân sách gia đình. Có một đứa con có thể đồng nghĩa với việc cần mua một căn hộ diện tích lớn hơn, một chiếc xe lớn hơn, chưa kể các chi phí nuôi con cố định. Điều này ảnh hưởng đến chi tiêu, khiến nhiều người phải điều chỉnh việc sử dụng tiền bạc cho hợp lý.

Nghiên cứu của tiến sĩ Alexandra Stanczyk tại Đại học California-Berkeley, ghi nhận các hộ gia đình trải qua sự suy giảm kinh tế đáng kể, trong khoảng thời gian xung quanh thời điểm sinh con. Điều này xuất phát từ việc người mẹ giảm thu nhập trong thời gian nghỉ sinh, trong khi các khoản chi cho trẻ mới chào đời tăng đáng kể.

Vấn đề công việc

Theo tiến sĩ tâm lý học Joel Frank, sự xuất hiện của một đứa trẻ mới thường thúc đẩy cha mẹ đánh giá lại các ưu tiên của mình, bao gồm cả tham vọng nghề nghiệp. Nhiều người mẹ có thể nghĩ đến tạm thời nghỉ việc hoặc tìm kiếm công việc mới phù hợp hơn với việc chăm sóc con cái. Trong khi đó, nhiều người đàn ông chịu áp lực tìm kiếm cơ hội công việc mới để tăng thu nhập.

Sự hy sinh sự nghiệp thường trở thành điểm gây tranh cãi, đặc biệt là nếu một trong hai vợ chồng cảm thấy buộc phải tạm dừng sự nghiệp trong khi người kia vẫn tiếp tục phát triển. Vai trò giới tính truyền thống và kỳ vọng của xã hội cũng có thể tác động đến những cuộc thảo luận này, gây ra sự bất đồng nếu kỳ vọng và thực tế không phù hợp.

Ảnh minh họa: Fatherly

Vấn đề về sinh hoạt cá nhân

Nghiên cứu cho thấy, nhiều cha mẹ trải qua sự suy giảm tạm thời về hạnh phúc sau khi có con, một hiện tượng được gọi là "nghịch lý làm cha mẹ". Điều này là do một đứa trẻ mới sinh có thể cản trở nhiều nhu cầu cơ bản của người lớn, chẳng hạn như ngủ, ăn uống và gặp gỡ bạn bè.

Trước khi có con, mỗi người có thể có thú vui của riêng mình, ví dụ gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp vào cuối tuần, đi du lịch nhóm bạn, chơi trò game yêu thích. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ trở nên khác biệt sau khi đứa trẻ xuất hiện. Trong khi người vợ bận rộn chăm sóc đứa trẻ, người chồng cũng phải san sẻ thời gian, công sức với vợ, dẫn tới không thể thoải mái, tự do như khi chưa có con.

Chăm sóc em bé tốn rất nhiều thời gian. Việc gặp gỡ những người bạn có thể trở nên khó khăn hơn vì lịch trình của bạn thường xuyên bị xáo trộn. Do đó, thời gian riêng tư của bạn sẽ bị cắt giảm đáng kể.

Vấn đề về sự thân mật

Leah Carey, huấn luyện viên về tình dục và mối quan hệ, kiêm người dẫn chương trình podcast Good Girls Talk About Sex, chỉ ra nhiều cặp đôi gặp khó khăn trong việc tìm lại cảm xúc yêu đương, sau khi sinh con. Điều này liên quan trực tiếp đến sự xuất hiện của đứa trẻ. Thời điểm này, người mẹ học cách thích nghi với cơ thể mới của mình, bận rộn với chế độ chăm sóc và cho con bú, không còn nhiều năng lượng để dành sự quan tâm tình dục cho bạn đời.

"Cuộc chiến" về phong cách nuôi dạy con cái

Một vấn đề có thể dẫn đến bất đồng giữa vợ chồng là phong cách nuôi dưỡng trẻ. Thông thường, mỗi người tin rằng cách tiếp cận của riêng họ là tốt nhất, dựa trên kinh nghiệm cá nhân, nghiên cứu, tín ngưỡng văn hóa hoặc thậm chí là cách nuôi dạy của riêng. Trong quá trình chăm con, cha mẹ có thể không tìm thấy tiếng nói chung, dẫn đến mâu thuẫn và rạn nứt mối quan hệ.

Alan Ravitz, tiến sĩ, bác sĩ tâm thần trẻ em và vị thành niên cho biết, trong một số trường hợp, cha mẹ bất đồng về quan điểm nuôi con. Điều này trở nên đặc biệt khó khăn khi cha mẹ phát triển những khác biệt cực độ trong cách nuôi dạy đứa trẻ.

Vấn đề về cha mẹ chồng/vợ

Nuôi dạy con là một hành trình phức tạp và bổ ích nhưng thông thường, cha mẹ không thể thực hiện một mình. Ảnh hưởng của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ chồng/vợ có thể tác động đáng kể đến cách bạn nuôi dạy con. Mối quan hệ giữa cha mẹ chồng/vợ có thể vừa là nguồn hỗ trợ vừa là thách thức, tùy thuộc vào từng gia đình.

Trong một số trường hợp, những người thân có ảnh hưởng tích cực sâu sắc đến việc nuôi dạy con cái, bao gồm sự hỗ trợ về tình cảm, tài chính, sức lực. Tuy nhiên, họ cũng có thể là nguồn thách thức, gây xung đột, do sự khác biệt trong cách nuôi dạy trẻ, vấn đề về ranh giới và những bất đồng mang tính thế hệ.

Thùy Linh (Theo Fatherly)

Tin liên quan
Tin Nổi bật